QUY TẮC ĐỒ BƠI VÀ DẠY TRẺ CÁCH BẢO VỆ BẢN THÂN
Nói đến vấn đề giới tính, nhiều người gạt phắt đi và cho rằng trẻ mầm non còn nhỏ biết gì mà dạy, hay “vẽ đường hươu chạy”… Thực tế, việc thiếu kiến thức có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, chính vì vậy giáo dục giới tính cho trẻ rất quan trọng.
Nguyên tắc chung khi giáo dục giới tính cho trẻ mầm non 3-5 tuổi:
- Chủ động nói chuyện với bé
- Khi ở thế chủ động bạn sẽ bớt lúng túng bởi những tình huống hỏi đáp do bọn trẻ đưa ra. Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát cơ hội để trò chuyện với con về chủ đề giới tính, chẳng hạn như dạy con về bộ phận sinh dục khi cho bé đi tắm, nói với con vì sao khi đi vệ sinh con gái ngồi còn con trai lại đứng… Trẻ 3 tuổi và 5 tuổi cần có sự giải thích khác nhau về bộ phận sinh dục của bản thân.
- Hãy thận trọng và tự hỏi con đã thực sự tiếp thu được những khái niệm như “dương vật”, “âm đạo” hay “tinh trùng” chưa? Vì vậy, hãy tìm nhiều hình thức khác nhau để giải thích một cách đơn giản cho bé hiểu điều cha mẹ muốn nói. Đừng quên rằng, bạn đang giáo dục con và cần sự chính xác.
- Dạy bé bảo vệ “ Vùng nhạy cảm” và không động chạm “ Vùng nhạy cảm” của người khác.
- Khi bạn cho con đi bơi hoặc đưa bé vào phòng tắm hãy chỉ cho con biết có những vùng “bất khả xâm phạm” của người khác và bé sẽ không được phép chạm vào dù người đó là bất cứ ai.
- Giúp đỡ trẻ nhận thức rõ giới tính của mình.
- Dạy bé về tính riêng tư cá nhân.
- Bạn cần giúp bé định hình về khái niệm kín đáo, tế nhị khi liên quan đến cơ thể bản thân nói chung và bộ phận sinh dục nói riêng.
Phụ huynh cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm trong công tác giáo dục giới tính cho trẻ khi ở nhà, giúp trẻ nhận biết về giới tính của bản thân và đón nhận nó như một lẽ tự nhiên.
(Theo tạp chí GDMN)
P.HIỆU TRƯỞNG
NGUYỄN THỊ LIÊN HƯƠNG