UBND THÀNH PHỐ NHA TRANG
TRƯỜNG MN HƯỚNG DƯƠNG
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do – Hạnh phúc
|
Số: /KH-MNHD
|
Vĩnh Hải, ngày tháng 11 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
Tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp
tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em trong trường mầm non
Năm học 2023-2024
Căn cứ Kế hoạch số 2319/KH-GDĐT-MN, ngày 07/11/2023 của Phòng Giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn thực hiện công tác tổ chức bán trú trong các cơ sở giáo dục mầm non từ năm học 2023-2024;
Căn cứ Kế hoạch số 291/KH-MNHD, ngày 15/11/2023 của Trường Mầm non Hướng Dương về Kế hoạch tổ chức hoạt động bán trú năm học 2023-2024;
Căn cứ vào tình hình thực tế, Trường Mầm non Hướng Dương xây dựng kế hoạch tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em trong nhà trường năm học 2023-2024 như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu chung
Bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên, tuyên truyền đến cha mẹ trẻ về dinh dưỡng hợp lý, sức khỏe phòng tránh bệnh tật, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây, phát triển trí tuệ và tầm vóc cho trẻ.
Nâng cao năng lực về tổ chức bữa ăn, cho đội ngũ giáo viên, nhân viên nấu ăn. Đảm bảo công bằng trong chăm sóc trẻ của nhà trường.
Xây dựng bữa ăn cân đối, hợp lý về dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bổ sung lượng sữa trong khẩu phần ăn nhằm phát triển trí tuệ và tầm vóc cho trẻ trong trường, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp đối với trẻ để nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật.
Giáo dục dinh dưỡng cho trẻ nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, hành vi; góp phần cải thiện thể lực và trí lực trẻ. Đồng thời tăng cường sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Hình thành cho trẻ thói quen ăn uống khoa học, có lợi cho sức khỏe và thói quen tự phục vụ.
1.1. Mục tiêu cụ thể
- 100% BGH, GV, NV, phụ huynh, trẻ trong nhà trường được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực để nâng cao sức khỏe và phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
- 100% BGH, GV, NV được tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý, nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn và tăng cường hoạt động thể lực.
- Tất cả các nhóm lớp tổ chức bữa ăn học đường đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định, lồng ghép uống sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn.
- Tất cả các nhóm lớp tổ chức theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ theo quy định.
- Bộ phận bếp ăn và tất cả các nhóm lớp tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Yêu cầu
2.1. Tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý
- Về cơ sở vật chất: Đảm bảo theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020.
- Về an toàn thực phẩm: Đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính Phủ.
- Nhu cầu năng lượng và tỷ lệ các chất của bữa ăn học đường cho trẻ tại trường: Thực hiện theo VBHN số 01/2021/VBNH-BGDĐT của Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành ngày 13/04/2021.
- Đảm bảo chế độ ăn và nhu cầu khuyến nghị năng lượng phân phối cho các bữa ăn theo quy định, phù hợp với độ tuổi:
Nhà trẻ: Nhu cầu khuyến nghị năng lượng tại cơ sở/ngày/1 trẻ chiếm 60-70% nhu cầu cả ngày từ 600-651 Kcal. Nhà trường xây dựng khẩu phần ăn hằng ngày với mức năng lượng đạt từ 70 - 75%/ nhu cầu cả ngày. Mức Kcalo đạt được bình quân từ 700 kcal - 750 kcal/ngày.
Gồm 01 bữa chính, 02 bữa phụ và uống thêm sữa bột.
Tỉ lệ các chất cung cấp năng lượng theo cơ cấu: P-L-G là 15-35-50
Mẫu giáo: Nhu cầu khuyến nghị năng lượng tại cơ sở/ngày/1 trẻ chiếm 50-55% nhu cầu cả ngày từ 615-726 Kcal. Nhà trường xây dựng khẩu phần ăn hằng ngày với mức năng lượng đạt từ 55 - 60%/nhu cầu cả ngày. Mức Kcalo đạt được bình quân từ 750 kcal - 800 kcal/ngày.
Gồm 01 bữa chính, 02 bữa phụ.
Tỉ lệ các chất cung cấp năng lượng theo cơ cấu: P-L-G là 14-26-60.
- Căn cứ nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho trẻ mầm non là cơ sở để lựa chọn và xây dựng thực đơn hàng ngày, theo tuần, theo mùa. Quá trình xây dựng thực đơn ưu tiên lựa chọn những thực phẩm sẵn có tại địa phương, đồng thời dựa vào mức đóng góp tiền ăn của trẻ để lựa chọn, phối hợp thực phẩm chính và thực phẩm phụ nhưng vẫn đảm bảo phong phú, không trùng lặp hằng ngày, không trùng lặp trong vòng 2 tuần.
- Chỉ đạo nhân viên nấu ăn thực hiện đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bếp ăn một chiều, nguyên tắc xây dựng thực đơn cân đối và đa dạng thực phẩm, quy định về thực phẩm rau củ quả đạt từ 3-5 loại/bữa chính/ngày.
- Cân đối đạm động vật/đạm thực vật theo tỷ lệ: 60/40;
- Béo động vật/béo thực vật theo tỷ lệ: 70/30.
2.2. Tăng cường các hoạt động thể lực trong nhà trường:
- 100% trẻ tham gia vào các hoạt động thể lực, có sự kết hợp giữa hoạt động thể lực ở mức độ trung bình và mạnh cụ thể: Vận động kết hợp thở; vận động làm mạnh khối cơ; vận động làm mạnh khối xương.
- Tất cả các nhóm lớp tạo cơ hội cho trẻ tham gia những hoạt động đa dạng, vui, phù hợp với sở thích, nhu cầu và khả năng của trẻ.
- 100% giáo viên, lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức hoạt động phát triển thể chất tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ.
- 100% giáo viên được tham gia tập huấn nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động tăng cường thể lực cho trẻ.
II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Xây dựng kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, thực hiện bữa ăn học đường đảm bảo tiêu chuẩn, định mức dinh dưỡng hợp lý và chế độ hoạt động thể chất phù hợp với từng độ tuổi.
2. Kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện và đánh giá hoạt động dinh dưỡng, giáo dục thể chất cho trẻ trong nhà trường.
3. Tăng cường và đa dạng các hình thức truyền thông, nâng cao năng lực của CBQL, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, cán bộ y tế trong nhà trường như:
- Công tác truyền thông, tuyên truyền về dinh dưỡng học đường và hoạt động thể lực của nhà trường trên trang thông tin điện tử của nhà trường, truyền thông trên trang Facebook, nhóm Group Zalo của lớp với các nội dung:
+ Dinh dưỡng hợp lý, các nhóm thực phẩm, thực phẩm lành mạnh và vệ sinh an toàn thực phẩm; các tiêu chuẩn, định mức dinh dưỡng hợp lý; các yếu tố, nguy cơ dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, thấp còi, thừa cân, béo phì và một số bệnh mạn tính không lây.
+ Vai trò của hoạt động thể chất, các hoạt động phát triển thể chất phù hợp theo từng lứa tuổi.
4. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ công tác bán trú, giáo dục thể chất và các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường: Đảm bảo đủ dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm… phục vụ cho việc tổ chức bữa ăn.
5. Thực hiện cải tạo, nâng cấp khu vui chơi và phát triển vận động cho trẻ, khu chơi cát nước…; trang bị bổ sung dụng cụ, thiết bị cho các khu vui chơi; tổ chức, chỉ đạo giáo viên khai thác sử dụng hiệu quả các khu vui chơi nhằm phát triển thể lực cho trẻ tối đa.
6. Tổ chức một số hoạt động trải nghiệm như: pha sữa, pha nước chanh, lột vỏ trứng, nhặt rau, làm bánh mì bơ sữa, cuốn chả....
7. Tăng cường công tác quản lý về dinh dưỡng học đường và giáo dục thể chất trong các cơ sở GDMN:
- Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và năng lực thực hành các kỹ năng sử dụng phần mềm Vietec xây dựng thực đơn, cân đối khẩu phần dinh dưỡng.
- Thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng, giáo dục thể chất vào các hoạt động giáo dục linh hoạt, phù hợp.
- Tổ chức Hội thi nhân viên nấu ăn giỏi cấp trường, động viên, khuyến khích nhân viên nấu ăn tham gia hội thi nhân viên nấu ăn giỏi cấp thành phố (nếu có), tạo cơ hội cho nhân viên nấu ăn học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong việc cân đối khẩu phần, dinh dưỡng hợp lý và lựa chọn thực phẩm lành mạnh để tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ.
8. Huy động các nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo đảm dinh dưỡng và hoạt động thể lực cho trẻ mầm non.
- Phối hợp với Trạm y tế Phường Vĩnh Hải trong việc tiêm chủng Vắc xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm (nếu có) và Trung tâm Y tế Thành phố Nha Trang trong việc tổ chức khám và phân loại sức khỏe cho trẻ; nha khoa học đường khám và điều trị răng cho trẻ mẫu giáo.
- Định kỳ cân, đo, chấm biểu đồ tăng trưởng, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của các cơ quan, ban ngành và cha mẹ trẻ trong việc thực hiện giám sát và đánh giá các hoạt động tổ chức bữa ăn học đường và hoạt động thể lực trong nhà trường.
III. KINH PHÍ
Kinh phí từ tiền ăn do cha mẹ trẻ đóng: 35.000đ/ngày/cháu);
Tiền hổ trợ bán trú: 65.000 đ/cháu/tháng dùng chi trả tiền chất đốt (gaz) và đồ dùng vệ sinh hàng tháng;
Tiền dịch vụ bán trú: 150.000 đ/cháu/tháng để chi trả lương cho nhân viên nấu ăn;
Ngân sách nhà nước.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban giám hiệu nhà trường
- Nghiên cứu các văn bản quy định các điều kiện, hoạt động tổ chức bữa ăn học đường, tình hình thực tế của địa phương, của nhà trường để xây dựng kế hoạch, triển khai, hướng dẫn thực hiện bữa ăn học đường có hiệu quả trong nhà trường.
- Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, ban đại diện Hội CMHS, tham mưu các cấp đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm thực hiện tốt bữa ăn học đường.
- Triển khai cho tập thể CBGVNV đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để nhân dân, cộng đồng hiểu rõ về vai trò, ý nghĩa của bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ.
- Đề cử CBQL, giáo viên, nhân viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn do các cấp tổ chức và tập huấn lại về xây dựng khẩu phần, thực đơn, lựa chọn thực phẩm, chế độ ăn phù hợp với độ tuổi cho đội ngũ GV, NV trong nhà trường cùng nắm bắt và thực hiện.
- Đổi mới nội dung sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên, nhân viên về tổ chức bữa ăn học đường; thực hiện lồng ghép các hoạt động giáo dục về vai trò, ý nghĩa của dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực, giáo dục thể chất phù hợp.
- Tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh kế hoạch, nhằm ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời phát huy những điểm mạnh của việc tổ chức bữa ăn học đường.
- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Tư vấn, hỗ trợ cho đội ngũ trong việc tổ chức bữa ăn học đường của nhóm, lớp.
2. Đội ngũ giáo viên, nhân viên nấu ăn
- Tham dự đầy đủ các buổi sinh hoạt chuyên môn, thực hiện lồng ghép các hoạt động thể lực, giáo dục thể chất phù hợp, nhằm nâng cao ý thức rèn luyện thể lực, tự phục vụ cho trẻ phù hợp từng chủ đề và độ tuổi của trẻ.
- Phối hợp với nhà trường đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền thông qua các cuộc họp, website, zalo, facebook...để phụ huynh hiểu rõ về vai trò, ý nghĩa của bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ.
- Hàng tháng tổ chức sinh hoạt tổ chuyên môn định kỳ, tiến hành đánh giá công tác thực hiện bữa ăn học đường, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch, nhằm ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực; đồng thời phát huy những điểm mạnh của việc tổ chức bữa ăn học đường của từng nhóm, lớp.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em của Trường Mầm non Hướng Dương năm học 2023-2024. Đề nghị các bộ phận triển khai thực hiện có hiệu quả.
Nơi nhận: HIỆU TRƯỞNG
- Phòng GDĐT (b/c);
- BGH nhà trường (t/h);
- Các khối trưởng, nhóm lớp (t/h);
- Lưu: VT.
Nguyễn Thị Chinh